Con người Hàn Quốc

Shaman – Người hành nghề tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc

Trong văn hóa dân gian Hàn Quốc, Shaman là những người vô cùng đặc biệt. Họ có những năng lực “siêu nhiên” để kết nối thế giới thực với thế giới khác. Họ đem tới những thông điệp và niềm tin cho những người đang sống. Vậy thực sự họ là ai?

Shaman – họ là ai?

Shaman - người hành nghề tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc

Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc, pháp sư thường là những người gắn liền với một loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo – Shaman giáo. Shaman giáo là một tín ngưỡng dân gian bản địa tại Hàn Quốc hiện diện trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây từ thời tiền sử. Tuy nhiên, trên thực tế, Shaman giáo không phải là tín ngưỡng dân gian duy nhất mặc dù nó đóng vai trò chủ đạo.

Những đặc điểm chỉ có ở Shaman

Như ở trên có nói, trong Shaman giáo, những người hành nghề được gọi là pháp sư – họ là những người có khả năng đặc biệt, có thể giao tiếp được với thế giới thần linh, ma quỷ, có thể mời gọi những lực lượng này đến hoặc xua đổi họ đi.

Ở Hàn Quốc, có hai loại pháp sư được gọi là Mu Dang (무당) – pháp sư nữ và Pak Su (박수) – pháp sư nam. Nhưng phần lớn vẫn là những pháp sư nữ hoạt động trong lĩnh vực này.

Pak Su - Shaman nam

Trong Mu Dang (무당) lại được chia ra làm 2 loại là Kang Sin Mu (강신무) và Se Seum Mu (세습무). Sự phân chia này dựa trên “nguồn gốc quyền năng” của họ. Kang Sin Mu là những người có khả năng nói được tiếng nói của linh hồn tổ tiên trong khi Se Seum Mu là những Mu Dang được mẹ truyền nghề và được thừa kế vị trí của mẹ.

Mu Dang - Shaman nữ

Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại Hàn Quốc cho rằng, tên gọi này hoàn toàn là ngôn ngữ Hàn chứ không phải những thuật ngữ du nhập từ bên ngoài. Điều này chứng tỏ tín ngưỡng Shaman mang tính bản địa sâu sắc.

Những người hành nghề tín ngướng dân gian khác ở Hàn Quốc

Ngoài các Shaman, trong tín ngưỡng dân gian của người Hàn Quốc còn có sự xuất hiện của các thầy bói, thầy địa lý, thầy tướng số. Đặc điểm hành nghề của những người này có khá nhiều nét tương đồng với những người hành nghề tương tư tại Việt Nam.

Thầy địa lý – Ji Gwan (지관) – là những người chuyên bói để tìm chỗ tốt cho việc xây cất nhà cửa cũng như an táng người chết. Bởi trong tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc người ta tin rằng, địa thế nhà cửa, nơi chôn cất mồ mả ông bà tổ tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia chủ và các thành viên trong gia đình.

Thầy bói Jeom Jaeng Y (점쟁이) – người chuyên phán vận may, rủi có thể đoán định tiền vận và hậu vận của một người thông qua những thông số như ngày giờ sinh theo âm lịch.

Il Gwan (일관) – là thầy bói xem và chọn ngày tốt xấu. Họ thường sử dụng sách bói hoặc tung đồng xu để tìm ra ngày thích hợp thực hiện một công việc gì đóm ví dụ như ngày cưới hỏi, dựng nhà, xuất hành, …

Bên cạnh đó còn có Kwan Sang (관상) là người chuyên xem tướng mặt và Su Sang (수상) lại là người chuyên xem về tiền vận hậu vận của một người bằng cách dựa trên đường nét vân tay.

Như vậy ta có thể thấy trong cách thức hành nghề của những người này, bên cạnh những sắc thái tín ngưỡng Shaman đặc trưng của người Hàn Quốc còn thể hiện rất rõ những yếu tố Đạo giáo và Phật giáo.

Một lần nữa khi tìm hiểu về văn hóa và con người Hàn Quốc, ta phát hiện ra những điểm tương đồng giữa hai quốc gia. Những điều này sẽ rất thú vị cho những ai lựa chọn nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc khi đi du học hay tạo ra sự gần gũi cho mỗi du học sinh khi học tập và sinh sống tại đây.

Theo: Minh Nguyệt

Đăng bình luận